icon-category
arrow-back-icon
logo
profileĐăng nhập/Đăng ký
Tin Tức
thumbnail
avatar
Nguyễn Thị Lan Hương
Ngày đăng 10/08/2024
2G

Việt Nam hoàn toàn tắt sóng 2G

Cuối năm 2024, Việt Nam sẽ không còn điện thoại 2G. Hiện tại, sóng 2G đang yếu dần và khi lộ trình kết thúc, các dòng điện thoại thuần 2G tại Việt Nam sẽ không còn giá trị sử dụng nữa.

Việt Nam hoàn toàn tắt sóng 2G

Từ 1/3/2024, Việt Nam sẽ chặn máy 2G không hợp chuẩn. 

Tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Việt Nam đang lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030, mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.

Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn. Việc 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long, đến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ hoàn toàn tắt sóng 2G; giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G cũng sẽ hết hạn vào thời điểm đó.

Ngoài ra, việc tắt sóng 2G cũng phù hợp với thực tiễn khi những năm qua, cùng với sự phát triển của công nghệ số, số lượng thuê bao 2G giảm rất nhanh.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, đến tháng 12/2023, Việt Nam vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G. Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn nhất. Mạng VinaPhone còn 3 triệu người dùng 2G, trong số này, tỷ lệ lớn khách hàng là người già, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, gặp rào cản về thu nhập nên gặp khó khăn khi thay thế điện thoại.

Lộ trình tắt sóng 2G được Bộ TT&TT đặc biệt quan tâm, lên kế hoạch chi tiết, cụ thể với mục tiêu quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi có tính chất bước ngoặt này.

Nhà mạng hỗ trợ thuê bao 2G

Thời gian qua, các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã thực hiện nhiều chương trình khuyến khích khách hàng chuyển đổi từ máy điện thoại sử dụng 2G lên máy sử dụng sim 4G. Hiện tại, các nhà mạng lớn đã tắt sóng 2G và 3G ở những khu vực có nhu cầu thấp, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho lộ trình này.

Việc tắt hoàn toàn sóng 2G nhằm mục tiêu tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển. Việc chuyển dịch lên 4G cũng giúp người dùng có thể truy cập internet tốc độ cao, thuận tiện sử dụng các dịch vụ trực tuyến tiện ích trong giáo dục, y tế, thanh toán, giải trí…

Đặc biệt, để hỗ trợ người dùng nằm trong diện bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G, nhà mạng VNPT đã giao nhân viên hỗ trợ trực tiếp và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi, nâng cấp máy 2G sang các máy 3G/4G/5G để đảm bảo liên lạc luôn được thông suốt. VNPT xây dựng kịch bản cụ thể với các lớp khách hàng như người già, người sống ở vùng sâu, vùng xa với chương trình như tặng máy, trợ giá, đi kèm gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao chuyển đổi lên 4G.

Nhà mạng MobiFone cũng cho biết, hiện còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G sử dụng mạng MobiFone. Nhà mạng này đã tiến hành tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp, trong quá trình tắt sóng, đơn vị đã nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn chăm sóc, tránh việc người dùng bật máy lên mới biết không có mạng. Khi khách hàng có nhu cầu, MobiFone sẽ hỗ trợ người dùng đổi sim 2G lên 4G miễn phí.

"Việc tắt sóng 2G không phải là sáng kiến của Việt Nam, chúng ta đang theo xu hướng chung của thế giới. Đây là một chủ trương đúng đắn của Bộ TT&TT", ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến Điện tử, chia sẻ tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân trên môi trường số". Trên thực tế, các nhà mạng đều đã có những kế hoạch và đang thực hiện nhanh chóng quá trình chuyển đổi công nghệ này.

Theo Tạp chí Tài chính